VƯƠNG QUỐC NHỮNG KẺ LẠ MẶT
Phan_19
Phòng thẩm vấn lạnh cóng, một căn phòng sang trọng nếu ông không thấy nó quá lạnh. Một sự lạnh lẽo đối chọi với sự thách thức kiên định trong trái tim ông. Ông sẽ không nói với bọn họ điều gì hết. Và thẳng thắn mà nói, đó sẽ là một sự sỉ nhục cho họ nếu đặt câu hỏi. Những nghi phạm về tội ngoại tình không bao giờ thú tội hết. Bọn họ đều biết phải có bốn nhân chứng để chứng minh bất cứ điều gì. Trên thực tế bốn nhân chứng đó phải chứng kiến hành vi ngoại tình. Ngay cả lúc này, với những bức ảnh và bằng chứng về DNA, một thẩm phán cũng không thể buộc tội ông nếu không có nhân chứng. Đó chính là điều mà Sharia đã nói. Ông vẫn có khả năng thoát tội.
Ban đầu không thể hình dung được việc này thực tế sẽ bị đưa ra tòa nhưng sau hàng giờ đồng hồ trôi qua và căn phòng trở nên lạnh lẽo hơn, Ibrahim bắt đầu nhận ra bọn họ sẽ không thẩm vấn ông vì đã có mọi thứ bọn họ cần. Họ chắc hẳn đã hối lộ hoặc đe dọa những người thuê nhà khác trong tòa nhà của Sabria để làm chứng chống lại ông. Bởi vì Ubaid đã quả quyết như thế cơ mà.
Tối hôm ấy, nhân viên bảo vệ đưa ông đến một xà lim, ở đó ông được ăn một bữa ăn nóng và được đưa một bản kinh Koran cùng một chiếc điều khiển hệ thống điều hòa nhiệt độ. Lúc đó ông tức giận vô cùng. Bọn họ đã nói sẽ đến thẩm vấn ông. Vậy họ ở quái đâu hết cả rồi? Buổi sáng hôm sau, nhân viên bảo vệ trở lại vào giờ cầu nguyện đầu tiên để đưa cho ông một chiếc thảm cầu nguyện và nước để tẩy trần. Ông nhận lấy. Sau đó, bọn họ đưa ông trở lại phòng thẩm vấn, và ông ngồi đó một mình.
Những nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn dần; ông dường như không thể kiểm soát được chúng nữa. Ông hiểu rằng bọn họ đã tìm thấy Sabria. Cô đã chết. Bị siết cổ, bị đánh, bị bắn. Và bọn họ cho rằng ông đã giết cô. Hiện giờ bọn họ đang chắp nối vụ việc để chống lại ông. Bọn họ sẽ nói rằng ông đã biết về những môi quan hệ bất chính của cô với những người đàn ông khác. Rằng ông đã tình cờ phát hiện ra cô trên giường với một gã mua dâm và đã giết cô trong sự cuồng ghen, rồi đánh đập thân xác cô. Sau đó, ông đã nói dối cảnh sát và quan trọng nhất là đã không khai báo về sự mất tích của cô. Nhưng chắc chắn bọn họ có thể cho rằng ông không khai báo về việc cô mất tích vì sợ bị buộc tội ngoại tình?
Mọi việc đối với bọn họ lúc này đều quá rõ ràng. Nếu anh đã là kẻ ngoại tình, thì tại sao lại không phải là tên giết người được chứ? Những hình dung của ông bắt đầu đi xa đến mức, không lâu sau giờ ăn trưa, ông ngạc nhiên nhận ra mình không hề có bằng chứng gì về việc Sabria đã chết. Sự sợ hãi chính là vấn đề - nó đã che phủ tất cả. Ông không thể nào phân biệt được liệu đó điều từ tận tâm can cảm thấy hay đó chỉ đơn giản là bệnh hoang tưởng, trú ngụ cùng nơi bản năng của ông cũng lên tiếng. Ông nhắm mắt lại, cố gắng thả lỏng tâm trí. Nhưng không thể. Liệu có phải cô đã chết rồi, hay chỉ do ông khiếp hoảng?
Ông hút hết hai bao thuốc và chuẩn bị xin bao thứ ba thì cửa mở. Một cảnh vệ đứng ngoàỉ hành lang. Tiếng ồn ào nín bặt.
Hamida chị gái ông bước vào. Ông chưa gặp bà ở đồn cảnh sát bao giờ, nên sự gặp gỡ này khiến ông lấy làm lạ. Bà là típ ngưòi sẽ liều lĩnh đi đến bất cứ đâu mình thích.
Hamida lớn hơn ông mười hai tuổi và giống một người mẹ hơn cả mẹ của ông. Mùa đông nào bà cũng ở Ả Rập Xê-Út. Bà thường đến vào tháng Mười và ở lại đến tận tháng Ba. Hamida đã kết hôn với một người Palestine và có với nhau sáu mặt con trước khi ông ta trốn đi với một phụ nữ trẻ hơn, bỏ mặc bà nương tựa vào sự hào phóng của những người thân trong gia đình. Chính vì thế mà bà sống như vậy, mùa đông nào cùng di trú ở hàng chục gia đình, mỗi nhà lại ở một tuần và làm những việc riêng của mình. Bằng cách xuất hiện trong những khoảng thời gian ngắn hạn và vô thưởng vô phạt như vậy, bà đã thành công trong việc tiêm phòng cho mọi người về sự có mặt của mình và đã kéo dài hoạt động từ thiện này của gia đình gần hai mươi năm rồi.
Bất cứ khi nào Hamida ở lại nhà Ibarhim là Jamila lại tìm được cớ đế phàn nàn. Nhưng Ibrahim yêu quý Hamida vô cùng. Bà là người phụ nữ duy nhất mà ông biết chẳng bao giờ nề hà về đàn ông, về việc mặc áo trùm, về các buổi cầu nguyện hay bất cứ khuôn phép nào. “Tôi chẳng quan tâm Mecca nằm ở hướng nào hết.” Bà hay nói vậy. “Chúng ta đều sống trên một quả địa cầu. Dù tôi có để đầu ở đâu đi chăng nữa, thì tôi cũng luôn nhìn về Mecca!”
Ông đứng lên để chào đón bà, xúc động đến mức không nói nên lời.
Bà nhìn ông với ánh mắt có phần chế giễu và nói: “Bọn họ sẽ để em về nhà. Em sẽ bị quản thúc tại gia, nhưng ít ra thì cũng không chết dí ở đấy. Omar đã thu xếp việc đó rồi.”
Ông biết, dù có chuyện gì xảy ra thì Hamida là người duy nhất trên thế giới này luôn đứng về phía ông. Ông cảm thấy mắt mình rưng rưng ỉệ.
“Chị đã nói với bọn họ là chị sẽ lái xe đưa em về nhà.” Bà nói.
Ông bật cười nghẹn ngào và ôm lấy bà nhằm tránh không để bà thấy ông đang khóc
Người cảnh vệ bước vào và để ông ký nhận tài sản của mình, chỉ là điện thoại di động và chiếc ví. Bọn họ đã tước phù hiệu của ông ở đồn. Người cảnh vệ hộ tống họ ra ngoài theo lối để họ ít có khả năng tiếp xúc với người khác nhất.
Hamida vờ như không nhận thấy những giọt nước mắt của ông.
“Em tưởng chị đang ở Gaza chứ.” Ông nói.
“Chị vừa về hôm nay.”
“Chị ở với bọn em nhé?”
“Omar trước đã.” Bà nói. “Em biết nó thế nào rồi đấy.”
Ông không bất ngờ về việc Omar đã thu xếp để ông được thả, nhưng điểm mấu chốt của nỗi sợ hãi đang hiện rõ. Ông không thế hình dung được làm thế nào Omar sẽ vẫn trụ vững mà không bị ảnh hưởng sau tất cả những việc này. Thực tế là có khả năng ông sẽ phải trả giá cho vụ tai tiếng này bằng chính công việc của mình - hoặc chí ít là vị trí tại Đội Điệp vụ. Việc tận tâm với em trai và sự cần thiết phải bảo vệ những tiêu chuẩn đức hạnh trong một cơ quan ngày càng bị chi phối bởi những kẻ như Ubaid, để cân bằng được hai việc đó là gần như không thể.
Một chiếc xe tuần tra không đèn hiệu đang đợi bên lề đường trước tòa nhà. Bọn họ ngồi vào sau chiếc xe. Hai sĩ quan mặc thường phục ngồi ở ghế trước và không dám nhìn ông.
“Đưa chúng tôi đến Kilo Seven.” Hamida cao giọng nói. Ông chỉ muốn hôn bà một cái.
Ông không dám nghĩ đến điều gì sẽ đang chờ đợi ông ở nhà; ông chỉ tạ ơn Chúa đã đưa chị gái mình đến đấy. Khi gã chồng của bà bỏ đi, bà đã dấn mình vào một cuộc sống tự do nay đấy mai đó. Tuy có luộm thuộm và không ổn định, nhưng cách sống đó lại hết sức thoải mái cho mọi người trong gia đình. Nếu mọi người không còn gì khác để nói thì họ luôn nói về Hamida. Hiện bà đang ở với ai nhỉ? Họ cho bà và lũ trẻ nằm giường hay chiếu? Họ có cho bà ăn không? Tại sao bà lại trở về Palestine cơ chứ? Bà có một căn nhà nhỏ ở Gaza giữa một vườn cấy trái mênh mông. Tuy vậy, khi có người hỏi bà về căn nhà đó, bà nói thực ra bà chưa từng ngủ trong nhà. Bà thích được trải chiếu nằm dưới những cấy chanh. Cách đó an toàn hơn. (“Có ai nghe về việc Isarel ném bom một cái cây chưa?”)
Căn nhà là một phần lớn trong sự bí ẩn của Hamida. Một phụ có thể giữ được căn nhà ở Palestine và sống được ở đó thì nghiễm nhiên được đối xử như quý tộc. Mỗi khi bà trở lại Gaza, đám phụ nữ bàn tán xôn xao: Allah, bà ta sẽ chết. Bà ta sẽ bị bắn và sẽ chết! Bọn họ sẽ ném bom mấy cái cấy ấy, anh cứ chờ mà xem! Sự thương hại và lo lắng đó là những thứ dầụ xoa dịu hoàn hảo đối với một sự thật không thể thừa nhận chính là sự ghen tỵ đối với bà. Hamida, như bọn họ nói, lúc nào cũng đi đi lại lại. Vất va vất vưởng! Và giờ thì các con trai của bà ta lớn cả rồi, bà ta thậm chí chẳng có một người đàn ông trong nhà”, trời đã định thế rồi, bà ta hẳn là rất cô đơn! Nhưng cái chính là cuộc sống đó khiến Hamida hài lòng. Ibrahim không thể nghĩ được một tấm lá chắn nào tốt hơn thế để bảo vệ ông trước gia đình mình ngoài phẩm cách sáng ngời và lẫy lừng của bà.
Daher không có trong phòng họp. Anh ta không có phòng làm việc, chỉ có một chiếc bàn không chính thức tại một trong những căn phòng ngách phía sau chiếc bảng trắng. Katya lén nhìn vào thì thấy chiếc bàn trống không. Đã chín giờ sáng rồi; đáng lẽ ở đấy phải chộn rộn họp hành và bố trí công việc mà hiện giờ Mu'tazz đang đảm đương chứ. Nhưng chỉ có hai sĩ quan trẻ đang ngồi trong một căn buồng ngách, nghịch ngợm với mấy chiếc điện thoại di động và trông có vẻ rầu rĩ. Bọn họ cố tình lờ cô đi.
Cô trở lại phòng thí nghiệm và thấy Charlie Becker đang chờ ngoài cửa.
“Tôi đã nghe hết chuyện rồi.” Charlie nói. “Chánh Riyadh đã kéo tôi vào văn phòng của ông ấy và trình bày về việc Mu'tazz hiện giờ đang phụ trách việc điều tra.”
“Tôi cần nói chuyện với Daher.” Katya nói. “Cô có nhìn thấy anh ta không? Tôi cần nói chuyện về Thanh tra Zahrani.”
“Không.” Charlie nói. “Nhưng tôi có thể giúp cô tìm anh ta.”
Charlie đưa cô xuống tầng dưới tới phòng của Chánh Riyadh. Cô thò đầu vào cửa phòng, và chánh thanh tra đang ngồi ở bàn ngước nhìn lên. “Vâng, Tiến sĩ Becker.” Giọng ông ta nghe có vẻ yếu ớt.
“Tôi đang tìm Trung úy Daher.” Cô nói. “Anh ta có thông tin gì đấy muốn nói với tôi.”
“Tôi cho là anh ta chưa đến đâu”
Bọn họ trở lại khu đại sảnh. Charlie tiến thẳng ra phía cửa trước. Có một cửa an ninh mà hầu hết mọi người phải sử dụng để đi vào tòa nhà. Bọn họ đứng phía sau cửa và chờ đợi.
Những người đàn ông bước vào, đưa mắt liếc nhìn họ hiếu kỳ nhưng lịch sự không nhìn mái tóc không được che phủ của Charlie. Mười lăm phút sau, Daher đến cùng hai sĩ quan.
“Trung úy Daher.” Charlie nói. “Chúng tôi cần nói chuyện với anh.” Anh ta ngạc nhiên. Hai ngưòi đàn ông kia ngượng ngùng bỏ đi khi thấy Charlie chạm vào cánh tay Daher. Anh ta liếc nhìn cô với ánh mắt xem thường.
“Chúng tôi cần anh giúp.” Charlie nói. “Về việc của Thanh tra Zahrani.”
“Có chuyện gì về ông ấy vậy?”
Charlie ra hiệu cho Katya giải thích với anh ta bằng tiếng Ả Rập. “Zahrani đã bị bắt tối qua.” Katya nói. “Ông ấy bị buộc tội ngoại tình.”
“Tôi biết.” Mặt Daher trắng bệch ra. “Cô muốn gì?”
Katya đợi cho hai người đàn ông kia đi xa hẳn. “Tôi cần có sự cho phép để vào nhà giam phụ nữ Briman.” Cô thì thào. “Tôi cần nói chuyện với một trong những tù nhân ở đó. Cô ta biết điều gì đấy rất quan trọng về người phụ nữ được cho là người Zahrani đang gặp gỡ.”
“Sao kia?” Anh ta lớn tiếng, rồi tiến lại gần hơn một chút. “Làm thế nào cô biết những chuyện đó?”
“Zahrani biết người phụ nữ này đã mất tích. Bọn họ đã làm việc cùng nhau ở Đội Điệp vụ. Ông ấy đã đề nghị tôi thực hiện một số điều tra bởi cô ta làm việc tại một trung tâm mua sắm dành cho phụ nữ và ông ấy không thể tự mình đến đó được.” Bất chợt cô nhận ra điều này nghe có vẻ không thuyết phục. Ibrahim đang thực hiện một cuộc điều tra bí mật sao? Trong khi vụ Thiên sứ vẫn đang còn dang dở ư? Và ông đã không hề nói về điều này với viên sĩ quan đáng tin cậy nhất của mình?
“Ông ấy chưa từng nói gì với tôi về vụ này cả.” Daher nói.
“Anh có thể giúp tôi vào nhà giam Briman không nào?”
“Không.” Anh ta nói. “Và nếu thông minh ra, cô hãy lên phòng thí nghiệm của mình ở tầng trên và trở lại làm việc trước đi khi Mu'tazz phát hiện ra cô đang phung phí thời gian ở dưới này - hoặc là ông ta có thể quyết định sa thải cô đấy.”
Anh ta quay sang Charlie gật đầu một cái cứng nhắc rồi bỏ đi.
Chiếc xe cảnh sát dừng lại trước tòa nhà của Ibrahim. Không có người hàng xóm nào ngoài khu nhà, ngoài mấy phụ nữ mang khăn che mặt đang đứng nói chuyện phía cuối phố.
Ông nhận ra chiếc ô-tô của anh vợ mình đang đỗ ngay cửa trước. Đó là một chiếc xe dẫn động bốn bánh lớn, màu trắng viền đỏ và có một vết lõm trên ghi chắn hậu. Rahman, anh trai của Jamila là một con người khốn khổ với mục tiêu duy nhất của cả cuộc đời là gìn giữ thanh danh của gia đình mình - và điều đó tức là bao gồm cả em gái ông ta nữa. Nhìn thấy chiếc xe đó khiến Ibrahim nhận ra mình đã ngu ngốc đến mức nào khi đồng ý trở về nhà. Đấy là phần thưởng mà Rahman hẳn sẽ trân trọng: một kẻ tội lỗi xấu xa trở về nhà trong sự ô nhục để đối diện với người vợ bị khinh miệt của hắn. Ông có lẽ sẽ an toàn hơn nếu ở lại đồn.
Ông không biết gia đình mình đã được nghe nói lại những thông tin gì. Ông muốn hỏi Hamida nhưng sẽ thật mất thể diện khi biết sự thật ngay trước mặt hai sĩ quan này.
Khi họ ra khỏi xe, Hamida choàng lấy tay ông và họ đi vào tòa nhà. Chí ít thì cảnh sát đã không còng tay ông. Hai viên sĩ quan lẳng lặng đi theo. Ông không chắc điều gì đang chờ đợi mình nữa, nhưng lên nửa chừng cầu thang, hai chân ông bắt đầu run rẩy. Hamida đứng lại bên cạnh ông.
Ông không thể nào tập trung được. Tất cả những gì ông có thể nghĩ đến chỉ là một câu thôi, nhưng quá đau đớn để có thể thốt lên thành lời: bọn họ có biết chuyện không chị? Ông nhìn Hamida dò xét, nhưng bà đang nhìn hai sĩ quan đang đứng sau họ vài bước chân với vẻ hạ cố
Dĩ nhiên là bọn họ biết rõ, ông nghĩ. Làm sao mà bọn họ lại không biết được chứ?
Một cánh cửa bật mở ở chiếu ngay phía trên và Aqmar bước ra. Khi nhìn thấy Ibrahim, vẻ mặt cậu đã nói lên tất cả.
Bố đã khiến chúng con thật thất vọng.
“Ôi bác.” Aqmar vừa nói vừa mỉm cười. “Bác vào nhà đi.”
Bà buông tay Ibrahim, tiến lên để chào Aqmar và nhìn cậu với ánh mắt đầy ngụ ý. Hai vận động viên chạy tiếp sức đang trao nhau ngọn đuốc. Bà bước tiếp lên tầng trên vào hang ổ của Jamila.
Aqmar không nhìn vào mắt bố mình. “Bố ở lại đấy với con.” Cậu nói: “Bố sẽ lên đó và nói chuyện với mẹ con.” Ibrahim đáp.
“Bác Rahman đang ở trên đó.” Aqmar nói.
“Vậy thì bố sẽ nói chuyện với cả bác ấy nữa.”
“Bọn họ đang bàn bạc về việc chặt đầu bố đấy.”
Ánh mặt họ gặp nhau, và Ibrahim nhận ra nỗi sợ hãi của con trai mình.
“Thôi được.” Ông vừa nói vừa ra hiệu cho Aqmar bước vào trong căn hộ. “Vậy chúng ta sẽ đợi.”
Chương 33
Quả thực, chúng ta đã tạo ra mọi thứ theo tỷ lệ.
Theo Đại tá Sa'ud, đó chính là điều mà tên tội phạm của vụ án năm 1989 đã viết lại bằng máu. Nó khiến Nayir phải suy nghĩ. Sa'ud đã trích dẫn một câu như là: chúng ta đã tạo ra mọi thứ theo trật tự. Nhưng đáng lẽ ông phải nói là tỷ lệ mới đúng, bởi đó mới là điều được viết trong kinh Koran. Khi họ rời nhà ông đại tá, Nayir đã xem lại các bức ảnh chụp trong tập hồ sơ ông đại tá đưa cho họ. Và quả thực, tên giết người đã viết là trật tự. Hắn đã trích dẫn nhầm kinh Koran, chưa kể đến sự lầm lạc nói chung, hắn đã chỉ ra một thứ quan trọng về mình.
Trật tự.
Nayir đã có những suy nghĩ dị giáo khác thường. Anh tự nhủ rằng đó là lẽ tự nhiên đối với người đang vô cùng căng thẳng vì đám cưới sắp diễn ra. Anh nghĩ đến ý nguyện của Chúa. Kinh Koran đã nói rõ, hết lần này đến lần khác, rằng không có gì xảy ra mà không phải là một phần ý nguyện của Chúa. Như vậy câu hỏi tất yếu được đặt ra là: người ta phải giải thích thế nào về cái ác? Tại sao Chúa lại để một tên giết người hàng loạt có mặt trên thế gian này?
Dù bất cứ hình hài nào Người tạo nên, Người đều đặt các ngươi ở cùng nhau.
Và lời giải đáp mà phần lớn thầy tế Hồi giáo sẽ đưa ra là Chúa đã lựa chọn để một số người đi chệch khỏi thiện lộ.
Chúng ta đã chia tách bọn họ thành những nhóm khác nhau trên thế này…một số là người ngay và một số người là đối nghịch.
Nhưng đó không thực sự là một lời giải đáp. Nó chỉ là một sự mở rộng của ý niệm rằng Chúa là đấng toàn năng. Tại sao Người lại lựa chọn để một số người đi lạc hướng chứ? Hiện tại câu trả lời duy nhất mà Nayir có thể nghĩ đến là Chúa chưa bao giờ mong muốn tạo ra một thế giới hoàn hảo cả bởi Người muốn nó phi hoàn hảo hơn. Câu trả lời này hợp lý hơn nhiều. Nhưng làm sao Người có thể để những chuyện như thế xảy ra trên thế gian này chứ? Tại sao, vì chuyện đó, Người lại để cho ác quỷ tồn tại?
Và cho đến giờ, tên giết người kia, kẻ đang tìm khoái lạc bằng việc cướp đi sự an toàn, danh dự, và sau cùng, là mạng sống của con người theo cách lố bịch nhất, lại là kẻ luôn bận tâm đến trật tự.
Anh tạt vào lề đường phía trước nhà ga và thấy Katya đang đứng trong bóng râm nhỏ xíu của mái hiên bê-tông của toà nhà. Cô để lộ khuôn mặt. Nét mặt cô trông phiền muộn.
Cô bước vào chiếc Rover. “Cảm ơn anh đã đến.” Cô nói.
“Không có gì. Mình đi đâu đấy?”
“Anh sẽ không thích việc này đâu.” Cô nói. “Em cần đến nhà giam phụ nữ Briman. Em sẽ chỉ đường cho anh đến đó.”
Nhà giam? Anh nghĩ. Một phần trong anh vẫn giữ niềm tin rằng cô là một sĩ quan cảnh sát luôn ngồi ở bàn làm việc, viết báo cáo, rồi nhâm nhi cà phê với các đồng nghiệp nữ và không bao giờ rời khỏi trụ sở. Anh không thích những hình dung khác làm phá tan những hình ảnh đó: Katya ngồi trong xe cả ngày cùng một nam sĩ quan cảnh sát, Katya mặc lên người bộ giáp phục và mang súng, Katya ngồi đối diện với một tên giết người tàn bạo trong phòng thẩm vấn, Katya một mình đối mặt với ác quỷ.
Bớt căng thẳng nào, anh tự nói với mình. Người ta không cho phép các nữ sĩ quan được dùng súng hay lái xe hoặc thậm chí là đạp xe đạp, nên thực sự cô ấy đang gặp phải vấn đề gì vậy nhỉ?
“Có phải là vụ giết người hàng loạt không em?” Anh hỏi.
“Không phải anh ạ.” Cô nói. “Đấy là một vụ khác.”
Anh chờ đợi, nhưng cô còn đang lục lọi trong túi xách.
“Trông em có vẻ hơi căng thẳng.” Anh nói. Cô ngừng lại. “Em có muốn dừng lại uống một chút cà phê không?”
Cô nhìn anh mệt mỏi. “Không, cảm ơn anh.”
Có phải anh đang bị hoang tưởng không nhỉ? Lần nào gặp cô anh lại thấy cô mỗi lúc một thêm lo âu, và anh không thể không nghĩ rằng đó chính là vì đám cưới. Rằng có lẽ cô đang suy nghĩ lại.
“Vụ án tiến triển thế nào rồi em?” Anh hỏi.
“Bọn họ đã bắt giam một nghi phạm.” Trông cô như thể muốn nói thêm điều gì đó nhưng rồi lại thôi.
“Em đã phát hiện được liệu có phải Mu'tazz đang thực sự che giấu thông tin đối với điều tra viên chính không?”
“Có, đúng là ông ta đã làm vậy.”
Những câu trả lời cụt ngủn của cô khiến mỗi giấy phút trôi qua anh lại càng thêm lo lắng. “Và...?”
Cô thở hắt ra. “Rất khó giải thích anh ạ.”
Một vài phút sau họ đã đến nhà giam. “Anh có phiền khi đợi em không?” Cô hỏi.
“Dĩ nhiên là không.”
“Cảm ơn anh.” Và chỉ có vậy, cô bước ra khỏi xe.
“Cô thứ lỗi cho, chúng tôi đang sơn lại một số phòng.”
Giám đốc nhà giam là một phụ nữ tên là Latifah Matar. Bà có dáng người thấp, nhỏ gọn, nhanh nhẹn, tự tín, cách xử sự chừng mực và đáng tin cậy. Bà khiến Katya nhớ đến những giáo viên tiểu học từ những ngày xa xưa của mình, những phụ nữ vừa thoải mái thể hiện mình nghiêm khắc lại vừa thể hiện được những khía cạnh nhân hậu. Có một vệt sơn lớn màu xám trên cẳng tay của Matar; nó đã dấy bẩn lên áo choàng của bà, và giờ bà đang phải cố chùi sạch bằng khăn giấy ướt.
“Tạm được rồi.” Bà vừa nói vừa hạ ống tay áo xuống rồi ra hiệu dứt khoát cho Katya bước ra ngoài. “Đi với tôi nào.”
Katya trình bày rằng cô làm việc ở Đội Trọng án và có một vấn đề pháp y nhỏ của một vụ án cũ, chính vì vậy cô không gặp khó khăn gì để được chấp thuận nói chuyện với một phạm nhân. Thực tế là, Matar rất vui mừng vì có dịp để phạm nhân tiếp xúc với một phụ nữ “có cuộc sống tự tin và hữu ích” như vậy. Ở trạm an ninh, họ chạm mặt một nữ phạm nhân làm cảnh vệ có tấm biển tên đề WARDA. Cô ta cao trên một mét tám và đủ to khỏe để hạ gục một người đàn ông. Cô lạnh lùng gật đầu khi Marta đưa Katya qua cổng.
Hành lang tràn ngập những điều kỳ diệu. Phía bên trái là một xưởng vẽ rộng mênh mông với ngổn ngang nào giá vẽ, bảng màu, và những chiêc áo khoác ngoài lấm lem, xung quanh là những bức tranh vẽ hoa, máy móc, và những hình thù giống người rất kỳ quặc. Có cả một phòng đọc, có sách và bàn để phụ nữ ngồi đó viết. Phía bên phải là một khu vực làm đẹp. Qua những ô cửa trên cửa ra vào, Katya nhìn thấy một hàng máy sấy tóc và sáu người phụ nữ đang sơn móng và cắt tóc.
“Tôi không hề biết là bà có cả một tiệm làm đẹp nữa.” Cô nói.
Matar dường như thấy phản ứng của cô hơi ngây ngô. “Vâng.” Bà nói. ''Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là dạy họ những kỹ năng mà họ có thể dùng đến khi được phóng thích.”
Katya lúc này lại càng ấn tượng hơn.
“Tôi luôn nói với Bộ rằng người ta không thể đưa một người phụ nữ trở lại với xã hội nếu cô ta không thể tự chăm lo được cho bản thân.” Matar nói. “Phần lớn những phụ nữ này cần có sự phục hồi. Họ đã từng luộm thuộm. Họ không có giáo dục. Và thẳng thắn mà nói, công việc giúp họ tránh xa những rắc rối. Ngoài tiệm làm đẹp này, các lớp học chữ và vẽ, chúng tôi còn điều hành một trường đào tạo y tá ở đấy nữa.”
Đột nhiên có tiếng trẻ con khóc ré lên.
“Và dĩ nhiên còn có cả nhà trẻ.” Họ dừng lại trước một cánh cửa không có cửa sổ. “Đấy là nơi chúng ta sẽ tìm cô Rizal. Tôi sẽ phải đề nghị cô đợi ở đấy.”
Katya im lặng gật đầu.
Cô băn khoăn không hiểu người mở ra nơi này có đọc tấm biển phía ngoài rằng đấy là một nhà giam hay không.
Không lâu sau, cánh cửa bật mở và Matar bước trở ra. “Cô Rizal sẽ hân hạnh được tiếp chuyện với cô.” Bà nói.
“Ồ.” Katya nói. “Cô ấy tử tế quá.”
“Cô Hijazi.” Matar đột ngột nói. “Chúng tôi muốn trao cho những người phụ nữ này ý thức trách nhiệm. Phần lớn họ đã mắc những sai lầm về đạo đức. Họ không có khiếm khuyết, và không có gì vốn đã là sai với họ cả. Nếu chính họ cho rằng có điều đó, thì chỉ bởi có người đã làm rối loạn tâm trí họ. Chính vì vậy chúng tôi cố gắng dạy họ cách tôn trọng bản thân mình và người khác.”
“Vâng, tôi vui vì điều đó.” Cô ngượng ngùng nói. Cô không hề có ý bình luận mỉa mai.
“Rất tốt. Giờ thì để tôi đưa cô đến phòng phỏng vấn nào.”
Mu'tazz hẳn sẽ khúc khích cười hân hoan khi nhìn thấy cảnh tượng này: Ibrahim bị giam trong phòng khách của con trai mình và nghe tiếng khóc than của vợ mình dội xuống từ phía trên trần nhà. Sự giam giữ đó cũng hà khắc chẳng kém gì trong phòng thẩm vấn. Ông không được phép sử dụng điện thoại di động. Bất cứ người nào bước vào nhà đều bị khám xét. Constance tội nghiệp bị đe dọa bởi những người cảnh vệ đứng gác ở cửa trước và cửa sau nhà mình đến mức cô không dám ra khỏi căn hộ nữa. Trái lại, Aqmar thì đã bỏ ra ngoài và vẫn chưa về nhà. Ibrahim cảm thấy tan nát cõi lòng.
Đã sắp đến giờ cầu nguyện buổi trưa. Ông đang bơ phờ ngồi trên sô-pha xem kênh truyền hình bằng tiếng Ả Rập thì nghe tiếng ồn ào ngoài cửa trước. Người cảnh vệ đang nói gì đó. Ibrahim nhìn qua khe cửa thì thấy Saffanah đang ở ngoài hành lang. Cô ta đứng cách người cảnh vệ chỉ chừng một bước chân, đầu hơi nghiêng sang trái và cúi xuống, giống như một con thú đang chuẩn bị di chuyển theo một hướng đã định.
“Không ai được phép vào hay ra mà không bị khám xét hết.” Qua giọng nói gay gắt của tay cảnh vệ thì có lẽ anh ta đã nhắc lại điều bắt buộc đó đến lần thứ ba rồi. Nhưng Saffanah vẫn tiến lại gần hơn. Người cảnh vệ đang cố làm rõ vấn đề rằng cô ta không được vào trong bởi không có lẽ nào anh ta lại đưa tay khám xét một phụ nữ cả, và Saffanah cũng đang thể hiện thái độ rõ ràng không kém rằng cô ta sẽ vào căn hộ của Aqmar và lẽ dĩ nhiên là không có chuyện để đàn ông lạ mặt đụng vào người mình. Cô ta thậm chí còn không nói chuyện với kiểu người đó. Khám xét là điều không thể tưởng tượng được.
Ibrahim mở cửa. Người cảnh vệ quay lại. Và Saffanah lao vọt vào trong nhà.
“Này!” Người cảnh vệ hét lên.
Ibrahim đưa hai tay lên. “Con bé là con dâu tôi. Nó hơi lập dị một chút.”
Người cảnh vệ vô cùng tức giận. “Tôi sẽ phải báo cáo về việc này.”
Ibrahim đóng cửa lại trong lúc anh ta với tay lấy điện thoại di động. Người cảnh vệ thò một chân vào cửa và đá bật nó mở. Anh ta đứng giữa cửa với điện thoại đặt trên tai, trừng mắt nhìn Ibrahim và Saffanah. “Tốt hơn hết là cô ấy không mang theo điện thoại di động.” Anh ta nói.
“Anh không phải lo đâu, con bé không tin vào điện thoại di động.”
Người cảnh vệ bước ra ngoài hành lang nói chuyện điện thoại và Ibrahim đóng cửa lại. Anh ta hẳn phải là đệ tử ruột của Ubaid. Ibrahim không thể hình dung được một cảnh sát thi hành công vụ bình thường lại hành xử một cách cứng nhắc đến như vậy. Với lại, từ trước đến giờ ông chưa bao giờ là tù nhân cả.
Saffanah đang đứng trong góc phòng cạnh cánh cửa trượt bằng kính, lối dẫn ra ban-công.
“Chuyện gì vậy con?” Ibrahim hỏi. Ông đã thẫn thờ suốt mấy tiếng đồng hồ rồi và nhận chìm từng tế bào của mình trong caffeine và nicotine đủ để lúc này có thể phát xạ được. Ông không chắc mình có thời gian cho rắc rối nhỏ nhặt này.
“Con chán ở trong nhà một mình lắm rồi.” Saffanah nói.
Cô bước về phía chiếc sô-pha rồi ngồi xuống một bên. Một lúc sau, ông cũng ngồi xuồng ở góc phía bên kia, đặt hai chân lên bàn trà và châm một điếu thuốc. Một lát sau đó, Constance nhẹ nhàng bước vào và chào họ. Trông cô hình như muốn mời họ uống trà nhưng rồi lại có vẻ cho rằng đó là một ý không hay cho lắm. Ibrahim thấy thảm hại vô cùng. Cuối cùng thì Constance cũng lặng lẽ rời đi, để mặc hai kẻ tan vỡ trái tim nương dựa trên cùng một chiếc ghế.
* * *
Xem xét kỹ hơn thì tòa nhà không được đẹp lắm. Phòng khách nhỏ xíu nặng mùi chất tẩy công nghiệp và nước lau sàn. Carmelita Rizal đang ngồi trên một chiếc sô-pha. Đứa con trai nhỏ của cô ta - có lẽ hai hay ba tuổi gì đó - đang nằm ngủ bên cạnh, gối đầu lên đầu gối mẹ. Rizal có gương mặt của một người mẫu - gò má cao, cặp môi đầy đặn, và đôi mắt to hình quả hạnh nhân. Cô ta là người châu Á; Katya đoán là người Philippines. Cô ta mặc áo choàng đen dài và đội khăn trùm đầu. Đứa bé mặc quần khaki và áo sơ-mi trắng. Cách phục trang nói lên vấn đề liên quan đến chính thể. Katya thấy buồn.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian